Từ hai cuộc đại tị nạn diễn ra cách nhau 70 năm, chúng ta nhìn thấy sự thay đổi của những quốc gia. Có những thay đổi theo hướng tốt lên và có những thay đổi theo hướng xấu đi. Và sự thay đổi đó đặt ra câu hỏi, rằng điều gì đã biến địa ngục thành thiên đường và điều gì đã biến thiên đường thành địa ngục?

Khi hàng ngàn người Do Thái buộc phải rời khỏi nhà mình, vì các đạo luật chống người Do Thái do chính phủ Đức của Adolf Hiler ban hành, có những đứa bé Đức đứng nhìn xóm giềng khổ sở ra đi, mà hung hăng hét: “Goodbey Jews!” (Vĩnh biệt bọn Do Thái – xem clip).

Albert Einstein – khi đó đang thăm các trường đại học Hoa Kỳ vào đầu năm 1933 – đã gọi những gì xảy ra ở Đức là “cơn bệnh hoạn tinh thần của quần chúng” và quyết định không về Berlin nữa. Không chỉ mình Einstein, hàng trăm ngàn người Do Thái đã chạy từ nước Đức địa ngục sang các nước láng giềng lánh nạn. Rồi khi quân phát xít tràn khắp châu Âu, chính dân Do Thái ở các nước láng giềng này lại vật lộn tìm chốn nương thân trong vô vọng. Vô vọng đến mức 32 nước tham gia Hội nghị Évian ở Pháp vào tháng 7.1938, bàn về người tị nạn Do Thái suốt 10 ngày mà không nước nào chịu gỡ bỏ rào cản nhập cư. Đến mức 900 người Do Thái trên tàu St Louis đến Bắc Mỹ tháng 5.1936 bị Mỹ và Cuba từ chối nhập cảnh, buộc phải trở về châu Âu.

Nhưng ở Áo, trong những năm 1938-1940, Tiến sĩ Fengshan Ho, tổng lãnh sự Trung Quốc tại Vienna đã chống lệnh trên, âm thầm cấp những “tấm visa cứu sinh” cho hàng ngàn người Do Thái. Chính quyền Kuomintang (Quốc Dân Đảng) sau đó cũng bỏ mọi thủ tục để người Do Thái đến Thượng Hải mà không cần có visa hay passport. Trung Quốc – khi đó vẫn bế quan tỏa cảng với châu Âu – lại trở thành nơi duy nhất trên thế giới mở rộng cửa đón người Do Thái. Để sau đó, Evelyn Pike Rubin, trong trang nhật ký tị nạn đã viết rằng: “Ngày mai chúng tôi sẽ bắt đầu một cuộc đời mới ở một thành phố lạ, trong một đất nước xa lạ, với ngôn ngữ, khí hậu, và con người xa lạ, nơi chúng tôi sẽ được an toàn và tự do”. Để Bette và Peter Pulvermacher kể lại: “Erhard bán một chiếc máy ảnh Leica và nhờ đó ông có đủ tiền để mở một tiệm may có tên là Quần áo Tân thời ở số 61 đường Nanking…”. Và để những đứa con của bà Frieda hồi tưởng: “Mặc cho tất cả khó khăn, Thượng Hải vẫn là thiên đường với chúng tôi”.

Đó là những câu chuyện dài của 70-80 năm trước. những hình ảnh về một dòng người tị nạn đang di chuyển theo chiều ngược lại, đổ về châu Âu, về nước Đức, mà thấy trong đó một hình ảnh hoàn toàn khác về người Đức và nước Đức.

Trong khi một em bé Syria ngồi trên vai cha – ở ga Bicske (Hungary) những ngày đầu tháng 9.2015 – giơ cao tấm khẩu hiệu “We want Germany” (Chúng tôi muốn nước Đức) , người dân Đức đang đi thu gom đủ thứ từ giày dép, khăn choàng, đến nước uống, và bánh nướng để chuẩn bị đón người tị nạn. Những đoàn người tha hương đến Đức được chào mừng bằng những tấm khẩu hiệu “Welcome to Germany” cầm trên tay hay dán trên vách ga tàu điện. Gấu bông, đồ chơi, và bong bóng đã được phát cho trẻ nhỏ, còn những túi vải đen được phát cho người lớn đựng đầy nước uống, bánh mì, và táo đỏ. Hàng trăm đôi giày mùa đông đã được xếp ở một trạm dừng chân để người tị nạn chọn lấy một đôi phù hợp cho chuyến đi dài giữa thời tiết sang thu đã lạnh dần.

Nhưng giữa lúc nước Đức và châu Âu đang làm hết sức mình để giúp đỡ những người phải tha hương vì chiến tranh, thì bên kia lục địa Á-Âu, Trung Quốc rầm rập kỷ niệm cái chiến thắng không xứng là của họ bằng một màn trình diễn đầy biểu tượng của chiến tranh:  cuộc duyệt binh 3.9 với 10.000 quân đầy súng ống, tên lửa liên lục địa, cùng với đủ các loại vũ khí hạng nặng. Rồi biểu tượng của lòng nhân ái Trung Hoa đang được lưu giữ trong các kỷ vật của Bảo tàng Do Thái ở Thượng Hải lại được đem ra trưng bày nhưng là để ngợi ca sự kiên cường của Trung Quốc trước phát xít, và để nhắc nhớ lại tội ác mà người Nhật đã làm đối với người Do Thái ở Thượng Hải, mà dường như quên mất rằng những người Trung Quốc đã cố gắng cứu người tị nạn Do Thái – như nhà ngoại giao Fengshan Ho – là người của chính quyền Kuomintang, cuối cùng đã phải chạy sang Đài Loan vào năm 1949 để tránh sự truy đuổi của cộng sản Trung Quốc.

Những hình ảnh hồi tưởng từ quá khứ và ghi nhận từ hiện tại bỗng khiến ta giật mình tự hỏi: Điều gì đã xảy ra ở Đức trong 70 năm qua, kể từ khi chính thể phát xít sụp đổ, để thế giới có một nước Đức nhân ái như hôm nay?! Điều gì đã khiến người Đức vượt qua được “cơn bệnh hoạn tinh thần của quần chúng” 70-80 năm trước? Và rồi ta giật mình tự hỏi điều gì đã xảy ra ở Trung Quốc trong 70 năm qua, để thế giới có một Trung Quốc hung hăng như hôm nay?! Bỗng thấy mơ hồ lo sợ liệu có một ngày nào đó “cơn bệnh hoạn tinh thần của quần chúng” trỗi dậy ở xứ Viễn Đông này?

Điều gì đã xảy ra ở địa ngục? Điều gì đã xảy ra ở thiên đường?

Điều gì đã xảy ra, hẳn đã xảy ra trong hai nền tảng cơ bản nhất của quốc gia: thể chế và giáo dục. Điều gì sẽ xảy ra, hẳn cũng sẽ xảy ra từ hai nền tảng cơ bản nhất của quốc gia: thể chế và giáo dục. Và từ những điều xảy ra trong những ngày qua, ta trông người mà ngẫm đến ta, tự hỏi 70 năm qua ta đã làm gì với thể chế chế và giáo dục để thay đổi chính đất nước và con người mình cho tử tế hơn, tốt đẹp hơn?

Mai Hương


Ảnh chính:  Người tị nạn cầm tấm giấy ghi dòng chữ “Thank you Germany” (Cảm ơn nước Đức) khi đang chờ xe bút đưa đến nợi tập kết người tị nạn ở thành phố Dortmund, phía tây nước Đức, ngày 6.9. 2015. AFP PHOTO / PATRIK STOLLARZ

Clip: Những đứa bé Đức đứng nhìn xóm giềng khổ sở ra đi và hung hăng hét: “Goodbey Jews!” (Vĩnh biệt bọn Do Thái). Trích từ phim Schindler’s List (Danh sách của ông Schinlder).


Xem thêm về người Do Thái ở Thượng Hải tại đây:

 

Leave a comment