Những nguy hiểm tiềm ẩn trong câu chuyện bạn An dũng cảm đi trên “thảm thủy tinh” không đáng sợ bằng những nguy hiểm đang tiềm ẩn ở những nơi khác, xung quanh bài học này.

Bạn An dũng cảm đi trên “thảm thủy tinh” là một ví dụ của bài học về sự dũng cảm được in trong sách dạy về kỹ năng sống cho trẻ lớp một. “Thảm thủy tinh” mà bạn An đi lên, hiểu theo ngôn ngữ đời thường (ớn lạnh), thực ra là một đống hay một lớp miểng chai.  Vâng, các mẹ ạ, trong sách kỹ năng sống, người ta dạy trẻ em dũng cảm là vượt qua nỗi sợ hãi để đi lên, dẫm lên một đống  miểng chai!

Dù dũng cảm được định nghĩa trong một từ điển làcó dũng khí, dám đương đầu với khó khăn và nguy hiểm“, nhưng có lẽ cần phải khôn ngoan mà hiểu rằng đương đầu với khó khăn, thử thách để thực hiện một việc có ý nghĩa, có ích cho bản thân, hay cho người khác thì mới có thể gọi là dũng cảm, còn đương đầu với khó khăn, thử thách, thậm chí là nguy hiểm để thực hiện một việc không có ý nghĩa, không hữu ích thì chỉ có thể gọi là… liều!

Vậy mà, thay vì dạy trẻ rằng dũng cảm là cố gắng vượt qua khó khăn, nguy hiểm để làm những việc thực tế hơn, có ý nghĩa hơn, chẳng hạn như dũng cảm đối mặt với kẻ mạnh hơn mình để bảo vệ kẻ yếu hơn mình, dũng cảm chống lại những hành vi sai trái của người khác, hay dũng cảm nhận lỗi trong hành vi sai trái của mình, người ta lại đưa việc bạn An thực hiện một việc nguy hiểm hết sức tào lao ra làm ví dụ cho sự dũng cảm.

Dù vậy, chuyện bạn An dũng cảm sẽ không tiềm ẩn sự nguy hiểm nào ghê gớm khi nó chỉ tồn tại như một ví dụ trong khoảng một trăm từ trên một trang giấy kèm theo một tấm hình minh họa.

Sự nguy hiểm nằm ở những nơi khác.

Sự nguy hiểm nằm ở chỗ vì sao một câu chuyện tào lao như vậy lại có thể lọt qua các tầng biên tập, các tầng kiểm duyệt, các tầng quản lý của một nhà xuất bản – vốn chịu trách nhiệm làm ra hàng triệu triệu quyển sách giáo khoa cho trẻ em Việt Nam – như Nhà Xuất bản Giáo Dục để được in ra trong hàng ngàn (có khi hàng vạn) bản sách làm tài liệu giảng dạy và học tập trong các trường tiểu học.

Sự nguy hiểm nằm ở chỗ vì sao một câu chuyện như vậy lại có thể được các thầy cô giáo – hẳn là phải có đầu óc, phải có bằng cấp ít nhất là cao đẳng, phải có đầy kiến thức về sư phạm và tâm lý trẻ em – ở trung tâm nọ, trường học kia chấp nhận, rồi tổ chức thành cả một buổi tập đi trên miểng chai trong khuôn khổ một tiết học ngoại khóa.

Sự nguy hiểm nằm ở chỗ vì sao một câu chuyện như vậy nằm trong sách của con em mình từ năm 2013 mà suốt hai năm qua các ông bố, bà mẹ không hề có phản ứng gì, cho đến khi việc này trở thành một vụ lùm xùm khắp các mặt báo, thì các bố các mẹ mới đồng thanh lên tiếng với nhiều cấp độ bất bình khác nhau, từ than phiền đến chửi bới nền giáo dục.

Sự nguy hiểm nằm ở chỗ đó, rằng chúng ta – từ gia đình, nhà trường, đến nhà chức trách – đã không có hay đã mất đi khả năng tư duy, phản biện, và phản ứng một cách nhanh chóng, mạnh mẽ, và tự do để ngăn chặn những điều sai trái vô hình hay hữu hình xảy ra.

Và sự nguy hiểm khủng khiếp nhất là vì mất đi khả năng tư duy, phản biện, và phản ứng đó, chúng ta đang mất đi khả năng bảo vệ những đứa trẻ non nớt mới đi học chữ của chúng ta trước những điều rất nhỏ như những con chữ trái lý ngược tình trong trang sách kỹ năng sống kia.

Nên điều cần phải bàn lúc này không phải là tranh cãi về vật lý hay về tâm lý rằng việc cho trẻ đi trên miểng chai có nguy hiểm hay không, có gây ra một tổn thương nào về thể chất hay tinh thần cho trẻ hay không, cũng như tranh cãi rằng bạn An đi trên miểng chai có đáng là bài học về lòng dũng cảm hay không.

Điều cần bàn lúc này là liệu chúng ta, những người lớn có hiểu biết, có nhận thức, có tư duy có thể phản ứng một cách dũng cảm đến đâu để đương đầu với tất cả những sự nguy hiểm trên kia, những sự nguy hiểm có hệ thống (gia đình – nhà trường – nhà chức trách). Và hơn thế nữa là chúng ta có thể phản ứng một cách dũng cảm đến đâu để đối phó với muôn vàn sự nguy hiểm khác của một-thời-đại-hủy-hoại-sự-dũng-cảm.

Mai Hương

Leave a comment