Có hai giai đoạn trong đời, các kết nối thần kinh trong não của bạn trở nên mong manh và uyển chuyển nhất. Vì vậy, các trải nghiệm đau buồn xảy ra trong những giai đoạn này có thể thay đổi các hoạt động của não bộ và cuối cùng thay đổi các biểu hiện gene và ảnh hưởng cuộc đời bạn sau này.

Tuổi lên hai kinh hoàng

Qua hai năm đầu đời, bộ não phát triển ở tốc độ rất nhanh. Và trong năm thứ hai, một điều quan trọng xảy ra: trẻ bắt đầu biết nói.

“Chúng ta bắt đầu hiểu những lời nói trước, rồi chúng ta bắt đầu tự ghép các lời nói lại với nhau và điều này diễn ra trong não hết sức phức tạp”, bà Tara Swart giải thích với báo QZ. Tiến sĩ Swart – nhà khoa học về thần kinh và là giảng viên của Viện MIT –  đang thực hiện nghiên cứu về não, cũng cho biết thêm: “Cùng với đó, trẻ hai tuổi mới biết đi – đó là một thành tích to lớn với bộ não”.

Học và hiểu một ngôn ngữ mới khiến bộ não của bạn làm việc theo những cách mới, kết nối các tế bào thần kinh và hình thành các chuỗi thần kinh mới. Đây là một quá trình đòi hỏi nhiều cố gắng về mặt tinh thần, và là lý do khiến việc học một ngôn ngữ mới hay một nhạc cụ mới thường gây mệt mỏi.

Học và hiểu một ngôn ngữ mới khiến bộ não của bạn làm việc theo những cách mới, kết nối các tế bào thần kinh và hình thành các chuỗi thần kinh mới.

Với nhiều thay đổi quan trọng xảy ra trong bộ não trong một thời gian ngắn như vậy, các thương tổn về thể chất và tình cảm có thể gây ra các gián đoạn đáng kể trong quá trình phát triển thần kinh. Dù bạn sẽ không nhớ được bất kỳ gián đoạn này, nhưng bất kỳ dạng sự việc gây thương tổn nào – dù đó là việc bị lạm dụng, bị bỏ rơi, bị đau ốm, bị xa cách với người thân (hầu hết mọi người không thể nhớ nhiều trước năm tuổi) –  cũng có thể dẫn đến các thiếu hụt về nhận thức và hành vi lâu dài trong cuộc sống sau này, tiến sĩ Swart cho biết.

Bộ não trẻ mồ côi

Bà Swart đã dẫn ra nhiều nghiên cứu về trẻ mồ côi ở Romania trong những năm 1980 và 1990. Sau khi chế độ cộng sản ở đất nước này sụp đổ, suy sụp kinh tế xảy ra đã khiến khoảng 100.000 trẻ em phải vào sống trong các trại trẻ đông đúc và khắt khe của chính phủ. Bà Swart cho biết:  “[những đứa trẻ này] được cho ăn, cho mặc, tắm rửa đầy đủ, nhưng vì một số lý do – trong đó có việc người ta sợ lây lan ghẻ lở – những đứa trẻ này không bao giờ được người lớn ôm ấp hay chơi đùa với. Có bằng chứng cho thấy những đứa trẻ này đã lớn lên với các vấn đề về sức khỏe tâm lý và gặp khó khăn trong việc duy trì công việc hay các mối quan hệ. Sau này với công nghệ quét cộng hưởng từ, người ta đã tìm hiểu não của những đứa trẻ mồ côi ngày xưa nay đã lớn và thấy rằng họ có vấn đề trong hệ thống đường biên não*- phần não kiểm soát các cảm xúc cơ bản”.

Nói một cách ngắn gọn, bạn có thể có các kỹ năng xã hội đúng đắn và phát triển khả năng thấu cảm khi lớn hay không là tùy thuộc phần lớn vào việc có được nhận những hành động yêu thương, các giao tiếp bằng ánh mắt, và được chơi đùa trong những năm đầu đời hay không. Ngay cả một điều đơn giản như là việc có thể quan sát các nét mặt và hiểu được ý nghĩa của các nét mặt cũng tùy thuộc vào việc lúc nhỏ có được nuôi dạy tốt hay không.

Bạn có thể có các kỹ năng xã hội đúng đắn và phát triển khả năng thấu cảm khi lớn hay không là tùy thuộc phần lớn vào việc có được nhận những hành động yêu thương, các giao tiếp bằng ánh mắt, và được chơi đùa trong những năm đầu đời hay không.

Nghiên cứu này cũng phát hiện rằng não của những trẻ mồ côi Romanian nói trên có các hoạt động não đo được thấp hơn và có kích thước nhỏ hơn bình thường. Cuối cùng, các nhà nghiên cứu kết luận rằng những trẻ được các gia đình tốt nhận làm con nuôi ở tuổi lên hai có cơ hội tốt hơn để phục hồi các thương tổn nặng và các rối loạn cảm xúc.

Thời niên thiếu rối loạn

Khi bạn đến tuổi thiếu niên, bộ não đã đạt đến kích thước của não người lớn, nặng khoảng 1,4 kg. Lúc này, bộ não bắt đầu loại bỏ, hay “tỉa bớt” các kết nối mỏng manh và các chuỗi thần kinh không sử dụng đến. Quá trình này tương tự như cách người ta xén tỉa một khu vườn – cắt đi những cành khô để cho những cây khác phát triển mạnh lên.

Trong thời gian này, thùy trước của não, đặc biệt là vùng võ não trước trán, trải qua các hoạt động tăng cường và lần đầu tiên não có khả năng so sánh và phân thích nhiều khái niệm phức tạp cùng một lúc. Giống như một đứa trẻ học nói, giai đoạn này trong cuộc sống của một thanh thiếu niên (khoảng 14-17 tuổi) cần thêm nhiều các kỹ năng giao tiếp phức tạp hơn và sự trưởng thành về xúc cảm.

Đến tuổi thiếu niên, bộ não bắt đầu loại bỏ, hay “tỉa bớt” các kết nối mỏng manh và các chuỗi thần kinh không sử dụng đến. Thùy trước của não, đặc biệt là vùng võ não trước trán, bắt đầu có khả năng so sánh và phân thích nhiều khái niệm phức tạp cùng một lúc.

“Ở tuổi này, chúng ta bắt đầu trở nên hiểu biết hơn về các mối quan hệ xã hội và chính trị. Thực sự rất phức tạp” tiến sĩ Swart lưu ý. Tất cả các hoạt động này của não bộ cũng là nguyên nhân chính khiến cho thanh thiếu niên cần phải ngủ rất nhiều.

Nghiên cứu của bà Swart cũng khớp với các nghiên cứu của các nhà khoa học khác, những người đã có hàng chục năm cố gắng tìm hiểu xem bộ não phát triển như thế nào và khi nào. Kỹ thuật chụp cộng hưởng từ và các kỹ thuật quét não khác đã giúp đẩy nhanh quá trình nghiên cứu này, nhưng các nhà khoa học vẫn đang tìm hiểu xem các phần não khác nhau đang hoạt động cụ thể như thế nào.

Tuy nhiên, một điều chắc chắn hơn cả là sự ổn định và an toàn là quan trọng trong quá trình phát triển của con người, và sự ổn định này liên quan mật thiết đến các hoạt động nhận thức. Ở bất cứ thời điểm nào, bất cứ một gián đoạn lớn nào trong quá trình phát triển cũng có khả năng làm rối loạn các hoạt động phức tạp của bộ não chúng ta. Chúng ta có thể không thật sự hiểu rõ các sự việc này tác động như thế nào đến đời sống chúng ta nhiều năm sau đó , vì thế mà các nỗ lực giải mã các bí mật này của hoạt động sâu bên trong bộ não vẫn còn hết sức cần thiết.

Vivian Giang/ QZ

* Còn gọi là hệ bản tính: hệ thống mạng các nhân hạch não liên quan đến việc biểu lộ các bản năng, tính khí, và các động cơ bản năng như đói, đau, hài lòng, sung sướng, v.v.

Ảnh chính: Theo dõi hoạt động não bộ của một thiếu niên (Reuters/Kim Kyung-Hoon)

Leave a comment